Nguy cơ thừa vắc xin phòng Covid-19

(HNM) - Sau một thời gian dài chạy đua phát triển hạ tầng đáp ứng các đơn hàng phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ngành sản xuất vắc xin toàn cầu đang đối mặt thực tế nhu cầu giảm dần trong khi năng lực sản xuất lại dư thừa. Điều này đòi hỏi sớm có những điều chỉnh sản lượng phù hợp hơn để cân bằng cung - cầu.
vaccine
Nhiều nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Nhu cầu đặc biệt cao và tình trạng khan hiếm nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian qua đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất “mạnh tay” đầu tư dây chuyền mới.

Từ cuối năm 2020, hãng dược Sinovac (Trung Quốc) đã chi 515 triệu USD để mở rộng năng lực sản xuất, với mong muốn nâng sản lượng thêm 600 triệu liều mỗi năm. Tại Ấn Độ, hãng dược Biological E chi 195 triệu USD để tăng gấp đôi năng lực sản xuất, lên 4 triệu liều/ngày.

Bên cạnh các dự án đã đi vào hoạt động, nhiều lộ trình đầy tham vọng cũng được vạch ra. Khoản đầu tư hàng tỷ USD được Mỹ công bố vào cuối năm 2021 dự kiến sẽ “đơm hoa, kết trái” vào nửa cuối năm 2022, giúp Xứ Cờ hoa nâng sản lượng vắc xin phòng Covid-19 trong nước thêm 1 tỷ liều mỗi năm. Hãng dược Moderna của nước này cũng có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào Kenya để xây dựng nhà máy mới tại quốc gia Đông Phi này.

Sản lượng gia tăng liên tục diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vắc xin giảm dần khi 64,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi. Nhiều quốc gia cũng đã hoàn tất mục tiêu tiêm chủng đề ra. Singapore, Cuba, Bồ Đào Nha… thậm chí đã tiêm chủng cho hơn 90% dân số. Tại Mỹ - nơi 65% dân số đã được chủng ngừa Covid-19, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh nước này ghi nhận tốc độ tiêm chủng hiện chỉ đạt khoảng 220.000 liều/ngày (tính trung bình 7 ngày), thay vì mức “đỉnh” 3 triệu liều/ngày ghi nhận hồi tháng 4-2021.

Thực trạng trên dẫn tới những quan ngại của giới chuyên môn về mất cân bằng cung - cầu. Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin phòng Covid-19 (COVAX) cho biết, tình trạng dự trữ hiện đã vượt quá nhu cầu. Theo chuyên gia Scott Rosenstein của Công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ), một lý do dẫn tới tình trạng này là tâm lý chủ quan trước việc biến chủng Omicron ít gây bệnh nặng. Bên cạnh đó, tốc độ tiêm chủng ngày càng giảm còn bởi nhiều nơi trên thế giới từng bước bãi bỏ các quy định liên quan tới “thẻ xanh vắc xin”; xu hướng Covid-19 dần được xem như bệnh đặc hữu; những tiến bộ trong thuốc chữa trị… Sản lượng vắc xin trong năm 2022 tuy được dự báo sẽ đạt 9 tỷ liều, nhưng nhu cầu năm 2023 lại giảm còn khoảng 2,2-4,4 tỷ liều - theo các nhà phân tích tại Công ty Phân tích dữ liệu Airfinity (Anh).

Nguy cơ mất cân bằng cung - cầu đẩy nhiều nhà sản xuất vào thế khó. Tại Ấn Độ, vắc xin Corbevax của Biological E được phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho trẻ 12-18 tuổi từ tháng 2-2022 nhưng tới nay mới chỉ nhận đơn hàng 300 triệu liều của chính phủ Ấn Độ. Viện Serum, đơn vị sản xuất vắc xin hàng đầu Ấn Độ, từng cho “ra lò” 2 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021, cũng thiếu đơn đặt hàng dẫn tới tạm ngừng sản xuất. Việc mong ngóng các đơn hàng mới khiến nhiều hãng dược bi quan về doanh thu năm 2022. AstraZeneca và Pfizer dự đoán doanh thu từ vắc xin phòng Covid-19 sẽ giảm trong năm nay, trong đó Pfizer chỉ dám kỳ vọng mức 32 tỷ USD, thay vì 36,8 tỷ USD như năm ngoái. Để duy trì hoạt động, nhiều nhà sản xuất đã chủ động tìm hiểu cơ hội mới trong việc sản xuất vắc xin phòng cúm, phế cầu khuẩn…

Trong bối cảnh nguồn cung đứng trước ngưỡng dư thừa, các hãng sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đang lên kế hoạch điều chỉnh phù hợp, đồng thời nghiên cứu các giải pháp phân phối để đưa vắc xin tới những khu vực còn khó khăn - điển hình là châu Phi. Đây cũng chính là điều mà Tổ chức Y tế thế giới, COVAX… và nhiều cơ quan y tế đã nhiều lần đề cập trong thời gian qua.

Nguồn: Tại đây