Trước thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về thuế đối ứng, dù chưa biết cụ thể về mức thuế suất, song các doanh nghiệp trong nước cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” và sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Chủ động tái cơ cấu sản xuất
Bà Nguyễn Thị Thái Trang, Giám đốc Công ty May Thái Trang (phường Bình Quới, TPHCM), cho biết, dù mừng vì mức thuế không quá cao như lo ngại ban đầu, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần tăng 5% thuế cũng khiến chi phí đội lên rất nhiều. Do đó, công ty đã đầu tư dây chuyền hiện đại, tăng năng suất 20-30%, đồng thời chuyển sang sử dụng nguyên phụ liệu nội địa để giảm rủi ro. “Chúng tôi không đợi “cháy nhà” mới chạy, mà đã tối ưu từng khâu sản xuất, tiết kiệm từng giây, từng phút” - bà Trang nói.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Cửa Ý Á Châu.
Một doanh nghiệp giày tại xã Bình Phú, TPHCM cho biết đã tranh thủ thời gian hoãn áp thuế để đẩy mạnh giao hàng. Tuy nhiên, đơn hàng mới đang chững lại do khách hàng thận trọng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay: “Nếu áp thuế 20% thay vì 46% như đề xuất ban đầu thì vẫn còn “dễ thở”. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải chủ động giữ khách cũ, tìm khách mới và mở rộng nguồn cung”.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển SADACO, thuế đối ứng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tái cơ cấu và tìm chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng. “Hàng Mỹ và hàng Việt ít cạnh tranh trực tiếp, người tiêu dùng Mỹ lại được thêm lựa chọn giá rẻ hơn, đây là cơ hội cho hàng Việt khẳng định chất lượng” - ông Mạnh nói. SADACO cũng đang mở rộng thị phần sang Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Đại diện Công ty TNHH Kỹ nghệ Cửa Ý Á Châu cho biết, thời gian qua, dù khó khăn, song nhà máy vẫn ổn định việc làm cho hơn 1.000 lao động. Với 90% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, để ứng phó với biến động thuế quan từ quốc gia này, công ty dự trù tài chính, tiết giảm chi phí và mở rộng đơn hàng sang các thị trường Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai (chuyên lĩnh vực điện), cho biết, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ là hàng đặc thù, nên khách hàng vẫn chấp nhận giá cao. Ông cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường phát triển thị trường nội địa và nâng cao chất lượng lao động, vốn đang thiếu hụt nhân lực tay nghề cao.
Xoay trục giữ vững thị phần
Thông tin về áp thuế khiến nhiều khách hàng Mỹ trở nên thận trọng, thậm chí dừng nhập khẩu hoặc yêu cầu doanh nghiệp Việt chia sẻ chi phí. Ông Phan Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty CP May mặc Bình Dương, chia sẻ: “Chúng tôi đang chịu thuế cơ bản 16,6%. Nếu cộng thêm 10%, tức là 26,6%, thì sức chịu đựng của doanh nghiệp gần như tới hạn. Nếu không linh hoạt chia sẻ thì mất khách, mà chia sẻ thì gần như làm không công”.
Ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt, cho biết, ngành gỗ đối mặt với cuộc điều tra của Mỹ mở rộng nhằm xác định liệu các sản phẩm gỗ có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, có gian lận thương mại hay gây mất việc làm cho người lao động bản địa hay không. Thị trường xuất khẩu sang Mỹ rất lớn, nếu chính sách thuế áp dụng cho Việt Nam tới 46%, tổn thất với doanh nghiệp là vô cùng lớn. Theo ông Liêm, mức thuế cao nhất ngành gỗ có thể chịu đựng là 10%, nếu vượt ngưỡng này, sức cạnh tranh sẽ suy giảm 30 - 40%.
Khảo sát của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho thấy, thuế đối ứng từ Mỹ gây tác động tiêu cực diện rộng, như giảm đơn hàng, tăng chi phí, nguy cơ thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng việc làm, giảm sức hút đầu tư vào tỉnh Đồng Nai. Các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ, gia dụng, logistics... đang chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động thuế quan của Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ doanh nghiệp gỗ ở phường Phước Tân, Đồng Nai, cho rằng, ngành gỗ có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao, tới 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ trong 5 tháng đầu năm với hơn 3,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ, vừa kỳ vọng thuế đối ứng chính thức sẽ ở mức có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành gỗ vốn dĩ đã chịu áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng từ Trung Quốc nhưng nay áp lực đó sẽ nặng hơn.
Linh hoạt chia sẻ chi phí
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, mức thuế 20% của Mỹ đối với ngành gỗ tuy cao so với mức 0% trước đây, song ngành gỗ Việt Nam vẫn có thể duy trì khả năng cạnh tranh. Cơ chế chia sẻ thuế giữa nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối đang được thương lượng lại. Theo đó, mỗi bên có thể chia đều 7% là hợp lý để duy trì quan hệ kinh doanh.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, mức thuế mới không quá ảnh hưởng đến ngành này, vì các mặt hàng trái cây chế biến vốn đã chịu thuế 5 - 15%. “Chất lượng là chìa khóa để giữ thị phần. Đồng thời, việc Việt Nam vẫn duy trì thuế 0% cho nông sản Mỹ góp phần cân bằng cán cân thương mại, cải thiện quan hệ song phương” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân của Maybank, cho rằng, thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ đạt được trước hạn chót 9/7 là kết quả tích cực. Các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian này để đàm phán chia sẻ chi phí với đối tác Mỹ, đồng thời điều chỉnh cấu trúc giá thành và tái cấu trúc sản xuất. “Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng chất lượng, bền vững và ít phụ thuộc” - ông Lâm nói.
Mở rộng thị trường tiềm năng Theo báo cáo Triển vọng doanh nghiệp 2025 của Ngân hàng UOB (Singapore), dưới tác động của các biện pháp thuế quan từ Mỹ, khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Trên thực tế, gần 70% doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng thương mại trong ASEAN - khu vực đang nổi lên như một điểm tựa chiến lược. Gần 90% doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế, với ASEAN (đặc biệt là Thái Lan, Singapore) và châu Âu là những điểm đến ưu tiên hàng đầu. |
Công an Quảng Trị phát hiện 2,5 tấn mỹ phẩm gồm 2.900 sản phẩm, thuộc 43 loại nhãn hàng khác nhau, trong đó có hơn 250 sản phẩm (23 loại) mỹ phẩm do trong nước sản xuất và 2.600 sản phẩm (20 loại) mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất.
Dự kiến, hôm nay (4/7), Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố kết quả thi của gần 103.000 thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Lãnh đạo Cục Quản lý đất đai cho biết việc thu tiền sử dụng đất hiện đang thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá lại chính sách giá đất.
Chiều 3/7, tại Hà Nội, Chi bộ Văn phòng Tổng Bí thư tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027.