TS. Bùi Đức Thụ cho rằng, thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, Luật thuế thu nhập cá nhân cần được sửa đổi ngay và có hiệu lực thi hành 'càng sớm càng tốt'.
Trao đổi với phóng viên, TS. Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (nay là Ủy ban Kinh tế và Tài chính), nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu (nay là Uỷ ban Công tác đại biểu của Quốc hội) nói: Thuế thu nhập cá nhân là một trong những loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập của cá nhân là những người có thu nhập trong xã hội.
Luật thuế này phổ biến ở các nước, mục đích không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn điều chỉnh mức thu nhập hợp lý, giảm nhẹ sự chênh lệch quá lớn về mức sống của các tầng lớp nhân dân. Thuế Thu nhập cá nhân của Việt Nam đã được ban hành nhiều năm và có sự sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
TS. Bùi Đức Thụ.
Càng sớm ban hành, 'món quà' càng ý nghĩa
Căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh là vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Luật hiện hành quy định, khi tình hình kinh tế xã hội biến động, phải xem xét điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh. Năm 2025, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt từ 8% trở lên, và những năm sau, nếu thực hiện cải cách tốt hơn, có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. Do vậy, chúng ta có điều kiện để nâng cao mức sống của người dân. Đây là những tiền đề quan trọng để xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh của chúng ta trong lần sửa gần nhất là tương đối phù hợp. Từ ngày đó đến nay, thu nhập của người dân dù được cải thiện, nhưng so với tỷ lệ trượt giá dồn tích vài năm gần đây, vô hình chung làm khó khăn hơn và tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Thời gian qua, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, chi phí cho y tế, các khoản đóng góp về giáo dục, kể cả học thêm trên thị trường đều nâng lên, rồi giá điện, giá nước và nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng…
Mức chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, căn cứ vào bối cảnh thực tại, chúng ta nên sửa ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cùng với việc cải cách toàn diện tổ chức bộ máy, khơi dậy các động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng ta cần chú trọng động viên, khơi dậy tính tích cực đối với lực lượng lao động thông qua sửa đổi chính sách thuế này.
Thời điểm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và hiệu lực thi hành, nên được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Tôi khẳng định, việc sửa luật đương nhiên là cấp thiết phải làm và làm càng sớm càng tốt. Về thời điểm áp dụng, tôi cho rằng, việc này phải phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Nhưng với những vấn đề cấp bách, chúng ta cần phải làm và làm càng sớm càng tốt, kể cả việc sửa luật cũng như thời hiệu thi hành.
Việc này phải trình ra Quốc hội, hoặc cũng có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân, đương nhiên phải quan tâm đến đời sống của người dân.
Có người ví, việc sửa đổi luật này tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2026, sẽ như một “món quà” Quốc hội khóa XV dành cho cử tri và nhân dân?
Do là vấn đề cấp bách, nên chính sách này càng sớm ban hành và đi vào thực tế thì “món quà” sẽ càng có ý nghĩa. Do vậy, hiệu lực thi hành không nhất thiết phải chờ đợi. Bởi nếu để lâu, lúc đó có khi không còn là món quà nữa, mà lại trở thành nút thắt, cản trở sự phát triển tích cực của nền kinh tế.
Khi đã nhìn nhận rõ vấn đề, những gì cấp bách cần phải thực hiện thì phải làm ngay, áp dụng ngay. Như vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sửa một loạt các luật, ban hành nhiều nghị quyết và áp dụng ngay khi được thông qua, như thế mới thực sự có ý nghĩa.
Thuế thu nhập cá nhân điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Tất nhiên, khi luật sớm được sửa đổi và có hiệu lực ngay như vậy, cũng gây ra những áp lực trong việc tổ chức thực hiện. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xác định và chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết, để thực hiện một cách đồng bộ, thông suốt, hiệu quả và đúng thời hiệu thi hành.
Có thể lấy ý kiến nhân dân
Theo ông, mức điều chỉnh cụ thể như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như tầm nhìn dài hạn?
Mức điều chỉnh cụ thể bao nhiêu phải căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội hiện tại, như thu nhập thực tế, mức sống tối thiểu, các chỉ số giá cả, lạm phát... Ngoài ra cũng phải căn cứ vào tình hình cân đối ngân sách nhà nước.
Như vậy, việc điều chỉnh mức nào, phải xem xét ở cả hai phía. Về phía người lao động – đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân, phải đảm bảo vấn đề an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đời sống phải được cải thiện hơn. Còn phía thứ hai, vấn đề cân đối ngân sách nhà nước cũng phải đảm bảo ổn định lâu dài. Việc điều chỉnh ở mức nào phải là bài toán tổng thể, hướng vào mục tiêu phát triển bền vững, lành mạnh, lâu dài.
Ngoài ra, việc điều chỉnh cũng phải căn cứ vào việc dự báo tình hình trong những năm tới, xem tình hình kinh tế xã hội nói chung và thị trường, lạm phát có biến động mạnh không. Tránh tình trạng chỉ bù trượt giá những năm đã xảy ra, chỉ phù hợp với hiện tại, nhưng vài năm tiếp theo lại không còn phù hợp nữa. Lúc đó lại phải xem xét sửa đổi, dẫn đến đời sống của luật không ổn định, gây ra nhiều xáo trộn.
Vậy cần giải pháp gì để có phương án phù hợp nhất trong việc điều chỉnh tới đây, thưa ông?
Theo tôi, khi Chính phủ trình ra Quốc hội, cần đưa ra các phương án cụ thể để các đại biểu thảo luận, xem xét, quyết định. Như vậy, Chính phủ có thể đưa ra 2 – 3 kịch bản khác nhau, xem mỗi kịch bản có những ưu và nhược điểm gì, để Quốc hội làm căn cứ quyết định.
Thậm chí, với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích thiết thực của người dân, thì có thể lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, lắng nghe lòng dân để tổng hợp, chọn lọc, tiếp thu, để từ đó đưa ra được phương án chuẩn mực nhất, sát với tình hình thực tế nhất và có thể lựa chọn được phương án sửa đổi tối ưu nhất.
Hữu Tú
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 56 vụ việc liên quan hoạt động mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, với quy mô lên tới hơn 110 triệu bản ghi.
Sáng 7/7, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng tập thể Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại ở phía sau giai đoạn 2021 - 2025, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu, lực lượng Công an bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; không để việc kiện toàn bộ máy ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, phục vụ cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân; tuyệt đối "không để ngắt quãng, gián đoạn công việc, không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm".
Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tối 6/7 tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TPHCM) khiến 8 người tử vong, trong đó có 2 trẻ em.